ĐƯỜNG DÂY NÓNG
UBND HUYỆN
Tiếp công dân
0243. 883 7692
Giải quyết TTHC
0243. 883 9336
DỊCH VỤ CỘNG ĐỒNG
Kinh tế - Chính trị
Sáng 05/09, huyện Đông Anh phối hợp với cùng Công ty cổ phần Phát triển Đầu tư xây dựng Việt Nam (VINADIC) và tổ chức lễ khởi công, động thổ nhóm dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật 4 cụm công nghiệp: Cụm Thiết Bình – xã Vân Hà, cụm Công nghiệp Liên Hà 2 – xã Liên Hà, cụm Công nghiệp Dục Tú – xã Dục Tú và cụm Công nghiệp Thụy Lâm – xã Thụy Lâm. Chương trình được truyền hình trực tiếp tại 4 điểm cầu 4 Dự án cụm công nghiệp.
Dự lễ khởi công tại điểm cầu chính cụm Công nghiệp Thiết Bình – xã Vân Hà có các đồng chí: Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội; Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền; đại diện các bộ; lãnh đạo các sở, ngành thành phố. Huyện Đông Anh có đồng chí Lê Trung Kiên – Thành ủy viên – Bí thư Huyện ủy – Chủ tịch HĐND huyện, đồng chí Nguyễn Văn Cường - Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ; đồng chí Nguyễn Xuân Linh, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND Huyện; đồng chí Nguyễn Thị Tám, Ủy viên Ban TVHU, Phó Chủ tịch UBND Huyện; đồng chí Nguyễn Anh Dũng, Ủy viên Ban TVHU, Phó Chủ tịch UBND Huyện. Cùng các đồng chí trong Ban thường vụ Huyện ủy, Trưởng các phòng, ban, ngành, MTTQ, các đoàn thể chính trị Huyện; các đồng chí nguyên là Lãnh đạo huyện Đông Anh qua các thời kỳ; lãnh đạo Đảng uỷ - HĐND- UBND và đại diện Nhân dân 4 xã có cụm công nghiệp là Vân hà, Liên Hà, Thuỵ Lâm, Dục Tú. Ông Tô Văn Năm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị - Tập đoàn AMACCAO.
Dự án cụm Công nghiệp Thiết Bình – xã Vân Hà có diện tích khoảng 20,98 ha, tổng mức vốn đầu tư khoảng 491,7 tỷ đồng. Định hướng của chủ đầu tư là xây dựng một “Cụm công nghiệp làng nghề kết hợp phát triển du lịch” hiện đại, đồng bộ về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật; phát triển mô hình cụm công nghiệp trong lòng đô thị xanh sạch đẹp, thân thiện môi trường, góp phần chuyên nghiệp hóa hoạt động sản xuất để nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm, thương hiệu làng nghề. Đồng thời thu hút các đơn vị, doanh nghiệp trong nước và quốc tế hoạt động trong các ngành công nghiệp chất lượng cao, công nghệ cao gắn liền với chiến lược phát triển kinh tế tri thức, phát triển bền vững - Chú trọng kết hợp truyền thống với ứng dụng khoa học – kỹ thuật tiên tiến vào các công đoạn sản xuất, đảm bảo cân bằng sinh thái, bảo vệ môi trường, duy trì chất lượng sống của khu vực dân cư tại địa phương.
Dự án cụm Công nghiệp Liên Hà 2 – xã Liên Hà có diện tích 21,99 ha, tổng mức vốn đầu tư khoảng 426,776 tỷ đồng. Xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ hiện đại bao gồm: Đường giao thông, kho bãi, khu điều hành, bãi để xe, cửa hàng xăng dầu, trạm nạp điện….
Cụm công nghiệp Thiết Bình và Liên Hà 2 có quy hoạch phân khu chức năng, bao gồm: Khu nhà máy, nhà kho, Khu hành chính, dịch vụ, Khu cảnh quan cây xanh, Khu hạ tầng kỹ thuật,
Chủ đầu tư của cả 2 Cụm công nghiệp Thiết Bình và Liên Hà 2 là Công ty cổ phần Phát triển Đầu tư xây dựng Việt Nam (VINADIC) - thành viên của Tập đoàn AMACCAO.
Dự án cụm Công nghiệp Dục Tú – xã Dục Tú có diện tích 15ha, tổng vốn đầu tư 336,78 tỷ đồng. Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật là Công ty CP Đông Thành Hà Nội, tổ 47, thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.
Dự án cụm Công nghiệp Thụy Lâm – xã Thụy Lâm có diện tích 17ha, tổng mức vốn đầu tư khoảng 326,243 tỷ đồng. Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật là Công ty TNHH Tập đoàn xây dựng Thanh Bình, thôn Thụy Lôi, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội. 4 cụm công nghiệp tập trung thu hút các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành nghề chủ yếu như sản xuất chế biến gỗ, mộc dân dụng, trạm khắc mỹ nghệ, sơn mài,... cũng như các ngành nghề sản xuất, kinh doanh khác theo hướng công nghiệp sạch, phù hợp với Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp thành phố Hà Nội đến năm 2020, có xét đến năm 2030; dịch vụ hỗ trợ cụm công nghiệp (kể cả xăng dầu)...
Với mục tiêu hình thành các cụm công nghiệp theo hướng hiện đại, áp dụng công nghệ tiên tiến, có sức cạnh tranh cao; thu hút, dịch chuyển các hộ sản xuất trong khu dân cư vào cụm công nghiệp, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nguy cơ cháy nổ trong khu dân cư. Chuyển đổi cơ cấu lao động, tạo sự phân bố dân cư hợp lý, giảm áp lực về dân số và kết cấu hạ tầng cho dân cư hiện có.
Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh khẳng định, Huyện ủy, UBND huyện Đông Anh đã xác định công tác đầu tư, xây dựng 04 CCN trong năm 2023 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng hàng đầu, nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy chuyển dịch lao động, cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Việc thành lập các Cụm công nghiệp là quyết tâm, nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ, chính quyền huyện Đông Anh và cũng là mong muốn, nguyện vọng của người dân các xã có làng nghề nói riêng và nhân dân Đông Anh nói chung.
Phát biểu tại lễ khởi công, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh: Phát triển nhanh và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội được Thành phố xác định là khâu đột phá, trong đó ưu tiên phát triển hạ tầng sản xuất công nghiệp để góp phần hoàn thành chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng bình quân ngành công nghiệp - xây dựng giai đoạn 2021-2025 đạt từ 8,5 - 9,0% theo Nghị quyết đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ 17 đã đề ra, cũng như thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị ngày 05/5/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trên địa bàn huyện Đông Anh hiện có 01 Khu công nghiệp Thăng Long, 04 cụm công nghiệp, 05 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận và nhiều làng nghề đang tiếp tục được Huyện quan tâm đề xuất Thành phố công nhận theo quy định với hàng nghìn cơ sở đang hoạt động sản xuất, kinh doanh. Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đã đóng góp đáng kể vào sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn huyện Đông Anh theo hướng tích cực.
Theo Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp thành phố Hà Nội đến năm 2020, có xét đến năm 2030, trên địa bàn huyện Đông Anh được quy hoạch 08 cụm công nghiệp với diện tích hơn 200 ha. Đến nay đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và đi vào hoạt động 04 cụm công nghiệp; UBND Thành phố đã ban hành quyết định thành lập 04 cụm công nghiệp còn lại, tập trung thu hút các doanh nghiệp thứ phát và phát triển làng nghề đảm bảo sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, không để phát sinh các vấn đề về ô nhiễm môi trường.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân huyện Đông Anh, của các Sở, ban, ngành Thành phố, đặc biệt là của các chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kĩ thuật các cụm công nghiệp và các hộ dân có đất canh tác đã ủng hộ công tác giải phóng mặt bằng để có thể tổ chức Lễ khởi công, động thổ ngày hôm nay. Đồng thời đồng chí cũng đề nghị các Sở, ban, ngành Thành phố, huyện Đông Anh và các xã Liên Hà, Thụy Lâm, Vân Hà, Dục Tú đẩy nhanh tiến độ sớm hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật và thu hút các nhà đầu tư thứ phát vào sản xuất kinh doanh.
Cũng tại buổi lễ khởi công ông Tô Văn Nhật - Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn AMACCAO khẳng định: 04 cụm công nghiệp này sẽ được phát triển theo hướng hiện đại và bền vững, ưu tiên ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số, công nghệ tự động và công nghệ trí tuệ nhân tạo... bám sát xu hướng của thời đại. Các cụm công nghiệp này được thiết kế với nhiều nhà xưởng cao tầng để tối ưu hóa diện tích, mở rộng diện tích cây xanh, chú trọng công tác xử lý môi trường một cách tốt nhất (bao gồm xử lý nước thải và rác thải, nhằm đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn cao của thành phố Hà Nội), để nơi đây không chỉ là các cụm công nghiệp sản xuất, kinh doanh dịch vụ mà còn kết hợp khu sinh thái hiện đại và là điểm đến du lịch làng nghề, du lịch sản xuất của Thành phố Hà Nội.
Đồng thời Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn AMACCAO Tô Văn Nhật cũng cam kết sẽ tập trung mọi nguồn lực, thần tốc triển khai thi công đảm bảo chất lượng:
Sau khi hoàn thành, 4 cụm công nghiệp trên sẽ đáp ứng hoạt động của các doanh nghiệp tại các làng nghề, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH, tạo ra tiền đề vững chắc cho sự phát triển trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa. Đổi mới tư duy và nâng cao chất lượng quy hoạch; Xúc tiến, lựa chọn dự án đầu tư; Đẩy mạnh liên kết và bảo đảm nguồn nhân lực; Giải quyết các vấn đề xã hội nảy sinh và bảo vệ môi trường sinh thái.
Các cụm công nghiệp được hình thành cũng góp phần làm thay đổi diện mạo và sức sống của vùng đất Đông Anh, hướng đến việc xây dựng Đông Anh trở thành đô thị văn minh, hiện đại, một trong những đô thị phát triển của Thủ đô.
Thực hiện: Thanh Hoa – Thế Vĩnh
Phối hợp: Hoàng Hoa – Bá Đông, Hồng Sinh – Việt Quang