ĐƯỜNG DÂY NÓNG
UBND HUYỆN
Tiếp công dân
0243. 883 7692
Giải quyết TTHC
0243. 883 9336
DỊCH VỤ CỘNG ĐỒNG
TIN TỨC - SỰ KIỆN
Sáng ngày 27/11, tại trường THCS Thị trấn Đông Anh, Trung tâm Y tế huyện Đông Anh phối hợp với trường THCS Thị trấn Đông Anh tổ chức Lễ phát động "Kết nối công đồng chung tay phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em- xây dựng cộng đồng an toàn” năm 2024. Đến dự có PGS. TS Nguyễn Thị Kiểu Anh- Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành Phố Hà Nội.
Phát biểu khai mạc, Bác sỹ chuyên khoa II Trần Xuân Thăng – Phó Giám đốc - TTYT huyện Đông Anh cho biết: Đông Anh là huyện ngoại thành của Hà Nội với dân số trên 450 ngàn người, dân số di biến động lớn. Địa bàn huyện lại có nhiều khu công nghiệp, đô thị, bến tàu xe, sông hồ… nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn thương tích là rất cao. Theo số liệu thống kê năm 2023, trên địa bàn Huyện tổng số ca TNTT 1053, tử vong 78, trong đó tử vong do tai nạn giao thông 62,8%, đuối nước 8,9%. Trong 6 tháng đầu năm 2024 số ca tai nạn thương tích 504 (giảm 23 ca so với cùng kỳ năm 2023), số tử vong là 30 ca (giảm 03 ca so với cùng kỳ năm 2023), nguyên nhân chính gây tử vong do TNTT là tai nạn giao thông (18/30 chiếm 60%); đuối nước đứng thứ 2 với 05/30 chiếm 16,6%.
Trong những năm qua hoạt động phòng chống tai nạn thương tích – Xây dựng cồng đồng an toàn đặc biệt là tai nạn thương tích trẻ em luôn được Huyện và các xã, thị trấn quan tâm, chỉ đạo sát sao. Thời gian qua, Huyện đã triển khai nhiều chương trình phòng chống tai nạn thương tích. Thường xuyên tổ chức chiến dịch truyền thông, vận động về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác phòng, chống tai nạn thương tích, xây dựng cộng đồng an toàn theo tiêu chuẩn Việt Nam. Đến nay đã có 100% các trường Mầm non, Tiểu học, THCS của huyện Đông Anh đạt tiêu chí trường học an toàn, 7/24 xã được UBND huyện công nhận cộng đồng an toàn tiêu chuẩn Việt Nam. Để giảm thiểu các trường hợp tai nạn thương tích, đặc biệt tai nạn thương tích ở trẻ em xảy ra trên địa bàn, việc chung tay của tất cả cộng đồng xã hội là rất quan trọng. Với nhiệm vụ là cơ quan thường trực về Phòng, chống TNTT huyện Trung tâm Y tế Huyện đề nghị các cấp chính quyền, ban ngành, đoàn thể, trường học và từng cá nhân trên địa bàn huyện Đông Anh hãy có những hành động thiết thực.
Tại lễ phát động, cán bộ y tế, giáo viên và học sinh trường Tiểu học Thị trấn Đông Anh cùng cộng tác viên của Tổ 2, Tổ 4 – Thị trấn Đông Anh đã trình diễn các tiểu phẩm đóng vai các tình huống về chủ đề xây dựng cộng đồng an toàn, sơ cấp cứu các TNTT thường gặp như tai nạn giao thông, Sơ cấp cứu bỏng trong công tác phòng, chống cháy nổ, đuối nước… nhằm cung cấp những thông tin về PCTNTT thường xảy ra ở hộ gia đình, trường học và nơi làm việc.
Bên cạnh đó, đại diện ban giám hiệu Trường THCS Thị trấn Đông Anh và đại diện hội cha mẹ học sinh nhà trường đã phát biểu cam kết xây dựng trường học an toàn và gia đình an toàn tiêu chuẩn Việt Nam góp phần duy trì các tiêu chí CĐAT tại địa phương.
Phát biểu tại lễ phát động, PGS. TS Nguyễn Thị Kiểu Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành Phố Hà Nội đã ghi nhận và đánh giá cao các hoạt động xây dựng và duy trì cộng đồng an toàn tại huyện Đông Anh, đặc biệt là lễ phát động "Kết nối cộng đồng chung tay PCTNTT trẻ em – Xây dựng cộng đồng an toàn". Đồng chí Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành Phố Hà Nội cho biết hằng năm, số trường hợp mắc TNTT đã được khống chế. Tuy nhiên, tại Hà Nội, mỗi năm vẫn có khoảng 90.000 trường hợp mắc TNTT, trong đó có gần 700 ca tử vong với những nguyên nhân khác nhau. 70% số ca TNTT được sơ cấp cứu trước khi chuyển đến các cơ sở y tế. Ngoài ra, tỷ lệ trẻ em mắc TNTT vẫn còn cao. Chính vì vậy, để hạn chế mắc và tử vong do TNTT thì cần phải có sự chung tay của tất cả các ban ngành và cộng đồng để giảm thiểu các nguy cơ gây TNTT cho trẻ em. Để tiếp tục duy trì các tiêu chí về CĐAT, trong thời gian tới, Ban chỉ đạo PCTNTT- Xây dựng cộng đồng an toàn huyện Đông Anh sẽ tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân về công tác PCTNTT đặc biệt là những TNTT liên quan đến trẻ em. Cùng với đó, phát hiện những nguy cơ gây TNTT để kịp thời can thiệp và tổ chức tập huấn nâng cao năng lực và kỹ năng PCTNTT trẻ em cho cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Triển khai nhân rộng các mô hình an toàn PCTNTT trẻ em đã phát huy hiệu quả. Qua đó, xây dựng môi trường an toàn, các mô hình "Ngôi nhà an toàn", "Trường học an toàn", "Cộng đồng an toàn", từng bước kiểm soát tình hình TNTT trẻ em, đặc biệt là tai nạn đuối nước và tai nạn giao thông nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ em.
Hồng Sinh- Hoàng Phụng