Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm mua bán người ở nước ta diễn biến rất phức tạp, Việt Nam đang nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy lùi loại tội phạm này. Sự gia tăng tội phạm mua bán người trên thế giới xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân việc mua bán người là loại tội phạm có nguồn thu lợi bất chính cao.
Phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng phạm tội mua, bán người tuy không mới nhưng ngày càng tinh vi, xảo quyệt; phổ biến vẫn là lừa tìm việc làm "việc nhẹ lương cao"; môi giới lấy chồng nước ngoài; đẻ thuê núp bóng từ thiện nhân đạo; mua, bán nội tạng; trẻ em, người ăn xin có đối tượng chăn dắt;… Trên thực tế, tình trạng phụ nữ và trẻ em dễ sa vào cạm bẫy của tội phạm buôn người hầu hết bắt nguồn từ một số nguyên nhân như: do hạn chế về nhận thức trước những chiêu thức tinh vi của tội phạm mua, bán người; trẻ em, thanh thiếu niên thiếu sự quan tâm, dạy dỗ của gia đình; ham lợi ích vật chất, thích "việc nhẹ lương cao"… là những nguyên nhân khiến một bộ phận phụ nữ, trẻ em dễ trở thành nạn nhân của tội phạm mua, bán người.
Mua bán người gây hậu quả nghiêm trọng về quyền con người, tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội, an ninh chính trị của mỗi quốc gia và là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt các hành vi vi phạm pháp luật khác như nhập cư trái phép, lao động bất hợp pháp, làm giả giấy tờ, kinh đoanh mại dâm, buôn bán ma túy, lừa đảo trên không gian mạng.
Nạn nhân của tội phạm mua bán người thường là những người thiếu hiểu biết pháp luật và ngại công việc nhọc nhằn, người muốn có công việc lương cao, nhưng nhàn nhã. Vì vậy, họ rất dễ bị sập bẫy với chiêu lừa "đi nước ngoài làm thuê được trả lương cao". Ngoài ra, hiện nay công nghệ và mạng xã hội phát triển mạnh, khó kiểm soát, từ đó tội phạm có thêm nhiều thủ đoạn tinh vi và lôi kéo được nhiều người ở nhiều độ tuổi khác nhau.
Trước thực trạng trên, Quốc Hội đã ban hành Luật số 53/2024/QH15 về Luật Phòng, chống mua bán người, ngày 29/6/2025 Chính phủ ban hành Nghị Định số 162/2025/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống mua bán người.
Tải Luật Số 53/2024/QH15 tại đây.
Tải Nghị định số 162/2025/NĐ-CP tại đây.
Việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống mua bán người cần được quan tâm triển khai với hình thức đa dạng, thiết thực, phù hợp với các đối tượng, giáo dục cho mọi công dân ý thức được thủ đoạn của tội phạm, hậu quả gây ra cho nạn nhân và xã hội và nâng cao cảnh giác trong quân chúng nhân dân để đề phòng và kịp thời phát hiện tố giác hoạt động của bọn tội phạm với các cơ quan bảo vệ pháp luật.