ĐƯỜNG DÂY NÓNG
UBND HUYỆN
Tiếp công dân
0243. 883 7692
Giải quyết TTHC
0243. 883 9336
DỊCH VỤ CỘNG ĐỒNG
Khoa học - Công nghệ
Chiều 18/10, tại hội trường nhà văn hóa thôn Quan Âm xã Bắc Hồng, Trạm bảo vệ thực vật Huyện Đông Anh tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện các mô hình thử nghiệm bón phân hữu cơ cải tạo đất; mô hình sử dụng bẫy dính màu sắc trong phòng trừ sâu hại trên rau và mô hình kiểm soát cộng đồng và áp dụng hệ thống đảm bảo có sự tham gia trong sản xuất, tiêu thụ rau an toàn tại xã Bắc Hồng.
Đối với mô hình thử nghiệm bón phân hữu cơ cải tạo đất được triển khai thực hiện từ tháng 7-10/2018 tại xứ đồng của HTX và tiêu thụ rau an toàn Bắc Hồng, diện tích triển khai là 12 sào, trong đó khu trình diễn mô hình là giống cải xanh, thí nghiệm được chia thành 4 công thức và các bước thực hiện cụ thể. Để mô hình đạt hiệu quả cao, Trạm BVTV Đông Anh đã phối hợp với Ban quản trị HTX tổ chức tập huấn cho các hộ dân trồng rau về quy trình kỹ thuật; cách nhận biết và phòng trừ một số sâu bệnh hại chính trên cây trồng; Quy trình bón phân hữu cơ cải tạo đất đặc biệt là tầm quan trọng cũng như lợi ích của việc cải tạo đất; hướng dẫn nông dân trực tiếp bón phân sao cho đúng kỹ thuật để mang lại hiệu quả cao nhất; điều tra theo dõi diễn biến sâu bệnh hại. Sau thời gian triển khai cho thấy, mô hình bón phân hữu cơ cải tạo đất cho kết quả rất rõ rệt, hạn chế sử dụng phân bón hóa học, cây cải xanh sinh trưởng nhanh cho hiệu quả năng suất cao. Đồng thời đạt hiệu quả về kỹ thuật, môi trường, kinh tế và về mặt xã hội.
Đối với mô hình sử dụng bẫy dính màu trong phòng trừ sâu hại trên rau, thời gian triển khai từ tháng 6-10/2018, diện tích triển khai là 6 sào, trong đó khu trình diễn mô hình 4 sào, khu phòng bệnh theo tập quán của nông dân là 1,5 sào, khu đối chứng 0,5 sào. Trạm BVTV Huyện đã hướng dẫn các hộ dân về phương pháp tiến hành, phương pháp đặt bẫy, phương pháp điều tra theo dõi, thay bẫy sao cho đúng kỹ thuật mang lại hiệu quả cao nhất. Mô hình này cũng được đánh giá cao về hiệu quả kỹ thuật, hiệu quả kinh tế và hiệu quả môi trường, đặc biệt là có thể hạn chế các biện pháp hóa học nhằm đảm bảo cho người sản xuất, sản phẩm rau được an toàn, môi trường sinh thái được cân bằng.
Còn đối với mô hình kiểm soát cộng đồng và áp dụng hệ thống đảm bảo có sự tham gia trong sản xuất tiêu thụ rau an toàn, qua quá trình thử nghiệm với quy mô 20ha trên các giống chính là: cải bắp, su hào, cà chua, các loại rau cải, rau muống, cà bát, cà pháo, đậu đũa, đậu rạch. Đến nay đã có 59 hộ tham gia ghi chép nhật ký đầy đủ, thường xuyên, đúng kỹ thuật. Công tác chuyển giao tiến bộ KHKT được tăng cường; công tác quản lý và tiêu thụ sản phẩm rau an toàn áp dụng PGS, sản lượng tiêu thụ nhiều hơn, trung bình là 3,5 tấn rau/ngày.
Cũng tại hội nghị, các hộ nông dân đã có những ý kiến trao đổi nhằm đưa 3 mô hình trên được áp dụng rộng rãi trên địa bàn xã và đạt hiệu quả năng suất cao.
Dương Đông - Thế Vĩnh